21/05/2025 19:07 GMT+7 | Văn hoá
Có những câu thơ sau khi đã viết xong, đọc lại, ngay cả tác giả cũng không thể lý giải vì sao mình đã viết như thế. Do đó, không phải ngẫu nhiên khi bình thơ, để khen nức khen nở câu thơ nào đó, nhà phê bình hoặc đồng nghiệp thường "phán" câu nghe trớt quớt: "Trời cho".
Thế nào là trời cho?
Có thể hiểu nôm na đó là những dòng chữ/ một chữ mà lũ chúng ta dù tu luyện chữ nghĩa đến bạc đầu cũng không thể viết nổi.
Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một thí dụ. Với 3.254 câu thơ ấy, hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận là chuỗi ngọc không tì vết, mà, trong đời này dù sang hoặc dù hèn, dù chữ nghĩa đựng không đầy lá mít hoặc thu gom cả bồ chữ của thiên hạ ắt ai ai cũng nhớ đến một hoặc hơn một câu Kiều.
Ta hãy dừng lại với 2 câu trong Truyện Kiều: "Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm".
Cánh hồng "là cánh chim của chim hồng, là chim hồng hộc, cũng gọi hoàng hộc hoặc thiên nga, cũng có sách gọi chim hạc. Cất cánh bay là bay cao ngàn dặm (nhất cử thiên lý)" ("Truyện Kiều chú giải", Văn Hạc - Văn Hòe).
Tranh minh hoạ
Tuy nhiên, "Đấy là theo truyền thuyết chứ thật ra hồng chỉ là một giống vịt trời" ("Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872", An Chi); hiểu theo nghĩa bóng nhằm chỉ "người có chí cao xa hay người đi xa" ("Từ điển Truyện Kiều", Đào Duy Anh). Câu thơ này diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều lúc nhớ Từ Hải đang tung hoành "Thanh gươm yên ngựa lên đường thăng dong".
Về chữ nghĩa, đáng kinh ngạc nhất vẫn là từ "mòn" xuất hiện trong ngữ cảnh này. Xứng đáng là "nhãn tự" khiến câu thơ bừng lên sức sống, linh hoạt, sống động lạ thường.
Mòn là gì? "Mòn: 1) Bị mất dần từng ít một trên bề mặt, do cọ xát liên tục: Giày bị mòn gót, nước chảy đá mòn; 2) Mai một, tiêu hao dần trình độ kiến thức do bị dùng nhiều: Cách biểu diễn ấy đã quá mòn" ("Đại từ điển tiếng Việt", 1999). Theo nghĩa này, ta còn có thể tìm thấy trong nhiều câu ca dao như "Kiến leo cột sắt bao mòn/ Tò vò xây tổ bao tròn mà xây". Bao ở đây chính là nói tắt của "bao lăm", có đáng bao nhiêu, đáng là mấy, không đáng kể. "Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"; hoặc trong thơ: "Trời sao nỡ phụ tài lành/ Bảng vàng chưa chiếm ngày xanh đã mòn" ("Lục Vân Tiên")… Khẩu ngữ người Việt Nam còn có những cụm từ như "ăn mòn răng", "áo rách quần mòn", "đi mòn đàng", "Nợ hay mòn, con hay lớn"…
Vậy, khi Thúy Kiều ngóng chờ Từ Hải lại "mòn con mắt", quả là "khó hiểu" quá đi mất. Ngóng thì ngóng, chờ thì chờ, dù trông ngóng đến cỡ nào đi nữa thì làm sao con mắt ấy lại có thể "mòn"? Quan sát từ trong thực tế, ta thấy chuyện này không thể xảy ra. Thế nhưng vẫn có đấy, bởi mòn ở đây không phải hao đi, sút đi, giảm đi, khuyết đi, mà được hiểu, dù cũng mòn nhưng là mỏi mòn - hiểu theo nghĩa: "mòn mỏi, thỏn mỏn, kiệt quệ, gần cạn" ("Việt Nam tự điển", 1970). Giải thích này là của người phương Nam, vì thế, ta cảm thấy khó hiểu ở từ "thỏn mỏn" nghĩa là mòn dần, sa sút dần, suy nhược dần; nhưng đừng quên, tùy cảnh còn được hiểu là "tỏn mỏn" để chỉ sự vun vặt, nhỏ nhặt, thí dụ, một người nhận xét: "Đàn ông đàn ang gì mà đếm củ hành, đo lọ mắm đúng là thứ thỏn mỏn/ tỏn mỏn".
Với từ "mòn", khi thi hào Nguyễn Du phóng bút: "Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm", ta cảm nhận nhẹ tênh như không, không cần vận dụng nội lực nhưng lại có sức nặng ghê gớm, tưởng chừng như chỉ mỗi từ "mòn", nhưng bản thân nó đã đè trĩu trang sách. Tài tình đến thế là cùng. Là chữ của "trời cho". Đã cho một chữ "mòn" dù nói về con mắt cụ thể đang ngóng, đang trông, đang đăm đắm ngóng chờ nhưng lại phản ánh tâm trạng mỏi mòn của Thúy Kiều.
Từ mòn trong ngữ cảnh này độc đáo, thế nhưng xét một cách nghiêm túc, ta nhận thấy không phải "độc quyền" của Nguyễn Du, bằng chứng ca dao cũng có câu cực kỳ "độc địa", thậm chí còn có phần "trội" hơn: "Xa em đã mấy thu tròn/ Nhớ em, anh khóc đã mòn con ngươi".
Khóc đến mức thế nào lại có thể "mòn con ngươi"? Không ai có thể giải thích nổi, nhưng đố ai có thể thay một từ khác đắc địa hơn, ấn tượng hơn?
Lại nữa, ta lại còn rúng động khi nghe lời thở than của chàng trai nước Việt Nam từ hàng ngàn năm trước: "Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối đã mòn một bên?". Thế đấy, với từ trong thơ, khi tiếp cận thì điều quan trọng, cốt lõi nhất không phải cần hiểu tường tận theo logic thông thường, mà chính là cảm.
Nhà thơ biệt tài là họ đã sử dụng từ khiến cho ta dù chưa rõ nghĩa cụ thể nhưng đã cảm. Và cái sự cảm ấy, không khác gì một vệt gió, chỉ thoáng qua, nhưng lại hằn vết không phai trong trí nhớ…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất