27/05/2025 06:28 GMT+7 | Văn hoá
Từ một giáo trình chuyên ngành xuất bản hơn 20 năm trước, "Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ" (vừa được NXB Đại học Sư phạm phát hành) là bộ sách được làm mới với tính ứng dụng cao. Ở đó, người lớn không chỉ được dạy cách thấu hiểu trẻ, mà còn có cơ hội hiểu lại chính mình bằng sự dịu dàng, nhân văn, thấu cảm.
1. PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1936 và đã qua đời năm 2009. Bà là một nhà tâm lý học, chủ nhiệm khoa Giáo dục Mầm non đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có 40 năm giảng dạy và viết sách giáo trình.
Năm 2004, bà cho ra đời cuốn Giáo dục mầm non - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, một giáo trình chính thức cho sinh viên ngành sư phạm mầm non. Từ những quan sát thực tiễn của một người làm khoa học và kinh nghiệm giảng dạy, bà đưa ra các lý luận giáo dục sắc sảo, đồng thời khẳng định một nguyên lý bất biến: Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, cần được nuôi dưỡng đúng nhịp phát triển của riêng mình, không áp đặt.
Gần hai thập kỷ sau, nhận thấy cuốn sách vẫn giữ nguyên giá trị, NXB Đại học Sư phạm đặt vấn đề với nhà báo Phạm Hồng Tuyến (con gái tác giả) để làm mới nội dung và hình thức, đưa ra thị trường bộ sách mang tên Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ tại buổi ra mắt sách của mẹ
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến chia sẻ: "Tôi thực sự ngạc nhiên pha chút sung sướng khi NXB đặt vấn đề "làm mới" cuốn sách của mẹ… Và sau đó là cảm giác hãnh diện, tự hào vì mình có thể góp phần đưa một tác phẩm thuộc loại kinh điển của giáo dục mầm non đến với công chúng rộng rãi".
Phiên bản mới của cuốn sách gồm 2 tập, biên soạn lại với văn phong mềm mại, giàu hình ảnh và dễ tiếp cận với đại chúng, đặc biệt là cha mẹ trẻ. Như đánh giá, cuốn sách mang đến một cách nhìn không áp đặt, không khuôn mẫu - điều rất hiếm gặp trong thời kỳ mà giáo dục mầm non còn nhiều định kiến. Những nội dung như "Lọt lòng bé muốn gì?", "Khủng hoảng trẻ lên ba", "Mỗi em bé là một con người riêng biệt" cho thấy sự hiện đại và sâu sắc của tác phẩm, sớm đón đầu những lý thuyết giáo dục tiên tiến lấy trẻ làm trung tâm.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm giới thiệu sách, PGS-TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: "Cô Tuyết là người làm khoa học, với những luận điểm khoa học cho đến bây giờ vẫn được đánh giá là đi trước thời đại. Đặc biệt, từ lý thuyết, cô đã có những chỉ dẫn, gợi ý để thực hành và xử lí tình huống môt cách linh hoạt, hợp với bối cảnh Việt Nam, giúp những người làm giáo dục mầm non và cả các bậc phụ huynh có thể áp dụng dễ dàng".
2. Trong lời giới thiệu cuốn sách. TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng khẳng định: Cuốn sách không chỉ dành cho giáo viên, mà còn là một người bạn tinh thần cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người đang hoang mang, loay hoay tìm cách hiểu và đồng hành cùng con.
Tại đó, sách giúp độc giả nhận ra: Những khoảnh khắc tưởng như bình thường - ánh mắt con khi tỉnh giấc, cái ôm con khi hoảng sợ, giọng bi bô con gọi mẹ - đều là những thời khắc vàng son trong quá trình trưởng thành của con và hình thành bản thể làm mẹ.
Từ những ví dụ sống động, có thật - như phân tích cách gia đình "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa đối thoại với con trẻ, hay cách mẹ quan sát đứa con "ăn vụng" mà không trách phạt - PGS-TS Tuyết chỉ rõ: Chính sự hiện diện dịu dàng, quan sát kiên nhẫn và lắng nghe thấu cảm của người mẹ là yếu tố nền tảng để nuôi dưỡng trí tuệ, cảm xúc và nhân cách cho trẻ.
Bộ sách “Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ” của PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết
Và như lời TS Nguyễn Thụy Anh, đây cũng cũng là lời "nhắc nhẹ" cho những bậc phụ huynh vì nhiều lý do mà chưa thực sự đồng hành cùng con ở tuổi vàng khôn lớn: "Đọc Nguyễn Ánh Tuyết, nhiều người mẹ sẽ giật mình vì đã bỏ lỡ những khoảnh khắc không thể lấy lại - những thời khắc tưởng thật bình thường, nhưng lại là "đất lành" cho một nhân cách lớn lên".
Chính nhà báo Phạm Hồng Tuyến cũng đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân: "Với tư cách là một người mẹ, cuốn sách đã giúp tôi đồng hành cùng cậu con trai qua những năm tháng đầu đời, có một tuổi thơ thực sự, được phát triển theo thiên hướng, vượt qua các cấp học và bước vào đời vững chắc".
Kế thừa và biên tập lại tác phẩm của mẹ mình, với nhà báo Phạm Hồng Tuyến, đó là thêm một lần chị hiểu mẹ mình hơn: "Mẹ tôi không bao giờ dạy tôi bằng mệnh lệnh. Mẹ quan sát, chờ đợi, thấu hiểu và đồng hành. Những điều tôi học được từ mẹ, từ sách, là hành trang vô giá giúp tôi không chỉ làm báo mà còn làm mẹ một cách có ý thức, hiểu con và hiểu chính mình".
Với chị, cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ của một người mẹ, mà còn là một "Thông điệp hạnh phúc" để lại cho thế hệ con cháu - một lời nhắn gửi về giá trị của sự lắng nghe, sự hiện diện và tình yêu thương không điều kiện.
Và như thế, ở tầm nhìn rộng, Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ cũng là một cuốn sách dành cho người lớn - không phải để "dạy trẻ" mà là để học lại cách yêu thương bằng sự dịu dàng, tôn trọng và nhân bản. Như một chiếc gương, sách giúp người đọc soi lại những khoảng trống cảm xúc, những vết nứt vô hình trong hành trình trưởng thành, để từ đó chữa lành - không chỉ cho đứa trẻ hôm nay mà cả đứa trẻ trong chính mình ngày xưa.
Có gì ở mỗi tập "Chìa khóa vào thế giới trẻ thơ"?
Tập 1 đề cập tới các vấn đề nền tảng như quy luật phát triển thể chất - tinh thần - trí tuệ của trẻ từ 0 - 6 tuổi, vai trò của gia đình và hoạt động vui chơi trong việc hình thành nhân cách. Tập 2 mở rộng các nội dung về giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, cảm xúc, trí tuệ và tổ chức môi trường sống tích cực.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất