Cafe đầu tuần: Vì sao MU thường xuyên bị ép giá?

21/07/2025 13:59 GMT+7 | Bóng đá Anh

Tại sao Manchester United (MU) phải mua những cầu thủ hạng trung bình đến khá với mức giá có lẽ gấp 3-4 lần mức giá các đội bóng lớn có thể mua? Câu trả lời không đơn giản chỉ nằm ở vị trí giám đốc thể thao của họ.

1. Tháng 2/2006, Nemanja Vidic vào sân thay người ở trận chung kết Cúp Liên đoàn, nơi MU đánh bại Wigan và đăng quang. Đấy là danh hiệu đầu tiên của anh cùng "Quỷ đỏ", và điều đáng nói là nó đến chỉ 1 tháng sau khi Vidic đặt bút ký vào hợp đồng thi đấu cho MU.

Một năm sau, trung vệ người Serbia cùng đội bóng giành chức vô địch Premier League, rồi đoạt luôn Champions League sau loạt luân lưu với Chelsea năm 2008, trở thành biểu tượng hàng thủ thời kỳ ấy.

Bạn có đoán được giá chuyển nhượng của Vidic bấy giờ không? Vỏn vẹn 7 triệu bảng. Để dễ hình dung, thì trong cùng năm ấy, Chelsea đã mua Andriy Shevchenko từ AC Milan với giá 31 triệu bảng.

Cũng trong năm 2006, ngoài Vidic, MU đã chiêu mộ Patrice Evra với giá 5,5 triệu bảng và Michael Carrick giá 18 triệu, tức là cộng cả 3 hợp đồng này còn chưa bằng một mình thương vụ Shevchenko! Nhưng đấy là 3 hợp đồng vô cùng chất lượng, đã thành bộ khung vàng của "Quỷ đỏ" trong 7 năm vàng son tiếp theo.

Trong vài năm qua, MU hầu như không còn khả năng mua hàng xịn giá rẻ kiểu vậy nữa. Họ mất đến 100 triệu cho Antony, một thương vụ hoàn toàn thất bại, và bây giờ đã chi tổng cộng gần 140 triệu bảng cho Matheus Cunha và Bryan Mbeumo.

Điều gì đã xảy ra? Vào năm 2006, vụ mua Evra có một điểm rất đáng chú ý: Cầu thủ này đã tuyên bố luôn anh chỉ đàm phán với một mình MU, còn lại từ chối Liverpool, AC Milan cho đến Real Madrid. Monaco tất nhiên không thể giữ chân Evra với quyết tâm này, và không có quyền ép giá thêm. Thương hiệu đã giúp MU hưởng lợi trong trường hợp này.

2. Có một lý thuyết quản trị tên là "hiệu ứng thương hiệu nhà tuyển dụng" (Employer Brand Effect): Khi một công ty nổi tiếng và có thương hiệu mạnh, họ trở thành nhà tuyển dụng hấp dẫn trong mắt ứng viên. Nhân lực giỏi sẽ chủ động tìm đến và mong muốn làm việc cho công ty đó, ngay cả khi đãi ngộ không phải là cao nhất trên thị trường.

Cafe đầu tuần: Vì sao MU thường xuyên bị ép giá? - Ảnh 1.

MU đã phải mua Mbeumo với mức giá quá đắt đỏ

Trong vòng vài năm qua, Real Madrid đã chiêu mộ thành công lần lượt các siêu sao ở các tuyến là Kylian Mbappé (từ PSG năm 2023), Antonio Rudiger (Chelsea, 2022), David Alaba (Bayern, 2021) và mới nhất là Trent Alexander-Arnold (Liverpool), mà không mất một xu phí chuyển nhượng nào. Ai cũng muốn khoác lên mình màu áo trắng sau khi mãn hạn hợp đồng với đội bóng cũ.

Đấy cũng là những CLB lớn ở châu Âu, nhưng xét về sức mạnh thương hiệu, Real Madrid vẫn là lựa chọn ưu tiên của bất kỳ cầu thủ hàng đầu thế giới nào. Trên bàn đàm phán, "Kền kền trắng" luôn chiếm ưu thế vì sức mạnh vô hình này. Không ai ép giá được họ. Chỉ có họ đe doạ lấy mất tài năng của đội bóng khác mà thôi.

Vài ngày trước, tôi đã đọc những bài phân tích rất dài về chuyện Mbeumo sẽ hữu ích ra sao với MU, nhờ khả năng chơi cơ động, nhiều năng lượng, và thích một đối một… như thể cố giải thích mức giá 70 triệu bảng là hợp lý.

Nhưng hãy thử so sánh một chút: Theo hệ số lạm phát, thì 7 triệu bảng của năm 2006 tương đương khoảng 20 triệu bảng hiện tại, tức là một sự bổ sung kiểu Vidic sẽ chỉ khiến MU tốn số tiền bằng hơn 1/3 những gì họ phải trả để sở hữu Mbeumo và Cunha.

Năm 2020, Victor Osimhen đã từ chối khéo MU với lý do không thể tế nhị hơn: Tôn trọng đồng đội. Anh chia sẻ rằng mình không muốn cạnh tranh vị trí với đàn anh đồng hương Odion Ighalo mà chọn gia nhập Napoli.

Tất nhiên lý do thật là gì thì chỉ có Osimhen biết, nhưng nó cho thấy MU cũng không đủ hấp dẫn để anh ta phá rào đạo đức. Gần đây, Viktor Gyokeres đã xác nhận rằng "Quỷ đỏ" không phải bến đỗ sexy cho lắm: Anh này cũng đã từ chối MU với lý do là đội bóng không được dự Champions League.

3. Đấy là một cái bẫy không dễ thoát ra với các CLB như MU: Ai cũng biết họ có tiền để vung vít và ai cũng hiểu rằng họ có thể ép giá. Không có nhiều cầu thủ lớn muốn gia nhập MU nữa, tức là thương hiệu của đội bóng đã đi xuống, và nó khiến họ phải bỏ nhiều tiền hơn, cho những cầu thủ kém hơn.

Đấy là vấn đề lớn hơn câu chuyện chuyển nhượng. Khi nào bạn thấy MU có thể mua một cầu thủ khá với mức giá bằng 1/10 hiện tại, khi đó chúng ta có thể nghĩ về chuyện vực dậy đế chế một thời này như thế nào. Còn hiện tại thì…

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link