Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề

07/07/2025 15:38 GMT+7 | Văn hoá

NSƯT Hữu Châu sinh trưởng trong một gia tộc có 80 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương, trải qua những biến động của thời cuộc, sự mất mát của người thân, người đàn ông ấy làm nghề bằng lòng biết ơn sâu sắc.

Bút ký chân dung Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão do tác giả Thanh Thủy chấp bút, kể về cuộc đời trầm luân của nghệ sĩ tài năng gắn liền với thăng trầm của gia tộc có 4 đời làm nghề sân khấu: Thanh Minh - Thanh Nga.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 1.

Bút ký chân dung “Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão” do tác giả Thanh Thủy chấp bút

Giông gió hất văng chàng công tử "vào những đòn đau"

Tuổi thơ NSƯT Hữu Châu như một giấc mộng vàng. Khi "ngôi sao nhỏ đăng nhập cuộc đời", anh nghiễm nhiên là cháu ruột của "bà bầu" Thơ, nữ cường của đoàn hát Thanh Minh đang thời kỳ rực rỡ.

Từ nhỏ, Hữu Châu đi học trường Tây, được người đưa kẻ đón, về nhà lại có giúp việc chăm nom. Ngoài giờ đi học, anh lăn lộn ở hậu trường đoàn hát Thanh Minh, thích thú ngắm nhìn các cô chú diễn viên, đặc biệt là niềm say mê không giấu diếm với cô ruột mà anh thường gọi là "má ba" - NSƯT Thanh Nga (một nữ hoàng sân khấu khi ấy). Thỉnh thoảng, chàng công tử nhỏ được giao một vai nhỏ xíu, không có lời thoại, mà vẫn rất hăng hái.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 2.

Nhưng khoảng thời gian huy hoàng ấy không kéo dài đủ lâu. Thế rồi, thời cuộc và thị trường biến động đã tác động đến cải lương. Phim ảnh (phim chưởng của Hong Kong, Trung Quốc), âm nhạc và các loại hình giải trí khác khiến các đoàn hát lao đao.

"Bà bầu" Thơ đã quá mệt mỏi bèn giã từ gánh hát, bán căn nhà 7 tầng ở đường Trần Hưng Đạo chia cho các con mỗi người một ít, rồi lui về, đối mặt tuổi già và bệnh tật. Đó là lúc chàng công tử trở thành trụ cột của mẹ già và 2 em thơ, cuộc đời hất văng anh vào sự đói nghèo, túng quẫn và cả bi thương.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 3.

Hữu Châu thời trẻ

Từ mảnh đất được bà nội chia trong một góc lao động ở đường Nguyễn Trãi, mẹ anh - nghệ sĩ cải lương Thanh Lệ - dựng tạm chỗ trú cho các con. Họ làm bạn với nắng mưa, chuột, gián để "lầy lội qua muôn lối quanh", còn bữa ăn là từ đồ thừa ở các đám tiệc.

Vừa mới tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu II khi đó, Hữu Châu lăn lộn làm đủ công việc để có tiền cho mẹ đi chợ. Ban ngày anh bán sách báo cũ, chiều lăn lóc đi bơm vá sửa xe, bốc vác thuê, còn tối tranh thủ lang thang, "ngóc mỏ chờ người ta kêu hát".

Nhưng đó chưa phải tất cả. Mất mát đầu tiên, đau đớn nhất là vào ngày 26/11/1978, mấy phát súng oan nghiệt của bọn cướp đã tước đi mạng sống của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, khiến khán giả khóc như mưa. Vụ án chấn động dư luận lúc bấy giờ. Cậu nhóc 12 tuổi Hữu Châu không hiểu tại sao "má ba" xinh đẹp, tốt bụng, hiếu thảo và tài ba như vậy lại biến mất. Anh chỉ hiểu một điều rằng "má ba" đã vĩnh viễn không còn hát, không còn ôm hôn anh, không còn sáng ngời trên sân khấu để anh say sưa ngắm nhìn. Nhưng nỗi đau đầu đời ấy chỉ là mất mát đầu tiên.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 4.

Trong giai đoạn cải lương suy yếu những năm 1980, "bà bầu" Thơ mạo hiểm đưa đoàn hát ra các tỉnh phía Bắc lưu diễn. Bà hy vọng thị trường mới có chỗ cho nghệ sĩ miền Nam khoe thanh sắc, kiếm được tiền. Trong một chiều sóng gió, đoàn đang chống chọi với con đường gập ghềnh để tới Trại Cau, Thái Nguyên thì Thanh Hải - soạn giả trẻ của đoàn, anh trai ruột của Hữu Châu, bị đau dạ dày cấp tính chuyển sang xuất huyết. Điều kiện thiếu thốn, ngặt nghèo và đường xá đã khiến chàng trai trẻ ra đi, "bà bầu" Thơ đành dứt ruột chôn cháu đích tôn ở vùng trung du bán sơn địa, rất xa quê nhà.

Mùa Hè năm 1985, Hữu Châu đang hóa trang, chuẩn bị diễn một trích đoạn cho thầy cô và đoàn khách nước ngoài xem, thì chú út hớt hải chạy đến báo tin: "Châu ơi, ba con chết rồi. Con vào bệnh viện liền đi". Rụng rời, rát ruột, nhưng trong khoảnh khắc đó, anh trả lời chú: "Dạ, út về trước đi, cho con diễn xong đã".

Ba Hữu Thình của anh chưa bao giờ toả sáng. Nhưng ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, ông là người đứng ra thương thảo tiền bạc, chuẩn bị tiền trạm cho đoàn. Ba Hữu Thình còn đẹp trai và phong độ, vậy mà ra đi tức tưởi vì một tai nạn bất ngờ.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 5.

Hữu Châu đóng vai mẹ Cám (vở “Tấm Cám”) trong “Ngày xửa ngày xưa”

Ngoài Hữu Châu, trong gia đình anh còn có Hữu Lộc cũng nối nghiệp gia đình. Nhưng giống ba Hữu Thình và bà nội, Hữu Lộc có duyên làm "bầu" hơn. Anh thành lập sân khấu Nụ Cười Mới, tỏ ra nhanh nhạy với thị trường khi "độc quyền" Hoài Linh lúc đó. Vậy mà khi "bắt đầu được được" thì Hữu Lộc lại qua đời vì tai nạn giao thông, khi anh đang cố che chở cho con không bị xe tông.

Khi nghe tin dữ, Hữu Châu lúc đó đang diễn Ngày xửa ngày xưa, làm hề cho trẻ thơ, nhảy cà tưng cà tưng chọc cười con nít. Và anh vẫn phải diễn tròn vai. Đó cũng là lúc anh dần bình tĩnh, sắp xếp chuyện tang lễ. Buổi sáng, anh mang em đi thiêu, nhận tro đem lên chùa, buổi chiều về nhà tắm rửa sạch sẽ, lên sân khấu tiếp tục diễn Ngày xửa ngày xưa.

Anh trai nằm xuống, lần lượt đến ba rồi em trai, Hữu Châu chỏng lỏng một mình, "như một con rết bị chặt khúc đầu khúc đuôi, còn khúc giữa ngọ nguậy, cật lực trong cuộc sinh tồn vô nghĩa".

Nhưng chưa hết. Bà nội, người mà Hữu Châu miêu tả "là người mà trời đã ban riêng cho tôi", cũng ra đi vào một ngày trong năm 1988, sau khi đã chịu mọi giông bão của thời cuộc và đón nhận những huy hoàng của người cầm cương đoàn hát. Hữu Châu vẫn nhớ lời nội dặn: "Mình là trụ cột gia đình thì ráng, đừng khóc, vì ai cũng khóc thì ai biết dựa vào ai để nguôi ngoai".

Những mất mát ấy như một xúc chạm mới tinh, vẫn còn sắc bén như mới hôm qua đây, không phai nhạt chút nào trong tâm trí Hữu Châu.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 6.

Hữu Châu hóa trang trong vở “Tiên Nga”

Lòng biết ơn sâu sắc với tổ nghề, với đời

Ngày nhỏ dù là cậu ấm của đoàn hát nhưng bà nội bắt anh học hành đàng hoàng, đến ngày tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu II, Hữu Châu cũng chỉ được đóng vai nhỏ và theo đó nhận lương bằng ký gạo như bao người.

Khi anh xoay vòng trong cuộc mưu sinh, NSND Kim Cương đã nhận anh vào đoàn kịch nói, một vinh dự của nghệ sĩ trẻ. Hữu Châu biết cô hai (tên thân mật anh gọi kỳ nữ Kim Cương - PV) nhận anh không vì anh được bằng loại giỏi, mà vì mối thâm tình của 2 đoàn hát, nên đã dang rộng vòng tay. Tất nhiên vào đoàn, anh cũng chỉ được giao vai tùng đinh.

Nhưng chàng trai đó biết mình cần một dấu son, một cột mốc, sự vững tin để từng bước tiến vào tương lai của một nghề nghiệp cần có tên tuổi, sống bằng tên tuổi. Nên chàng trai đó cố gắng hằng đêm, tròn vai một cách đáng khen, đôi khi bộc lộ nét hứa hẹn có thể xuất sắc hơn.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 7.

Hữu Châu (phải) và Thành Lộc trong chuyến lưu diễn ở châu Âu năm 1995

Chẳng mấy chốc mà Hữu Châu thăng tiến, lương tăng vù vù. Từ vai tùng đinh đến vai cậu Năm rồi vai Sang, vai giáo Hoàng... Anh đã đóng gần hết vai đàn ông trong vở Lá sầu riêng - vở diễn huy hoàng, rực rỡ nhất của đoàn Kim Cương khi có đến cả ngàn suất diễn và vô vàn khán giả. Đây cũng là lý do và cơ duyên mà anh trở thành diễn viên kịch, chọn kịch nói, thay vì trở về chiếc nôi cải lương.

Ngày Hữu Châu 22 tuổi, khi đang bán báo trước nhà má ba ở đường Ngô Tùng Châu (Lê Thị Riêng ngày nay) thì đạo diễn Hoa Hạ đi ngang thấy anh và rủ rê tham gia vở Lôi vũ. Anh nhận vai Lỗ Quý, một gã già tham lam, xấc xược và đê hèn, gian manh.

Một bước ngoặt lớn khác là khi Thành Lộc rủ rê: "Châu ơi, dám đóng vai Nguyễn Trãi không?", anh đáp: "Nếu anh tin thì em đóng". Để rồi từ thể loại hài kịch, Hữu Châu đường hoàng bước vào dòng chính kịch nhờ vở Bí mật vườn Lệ Chi.

Anh biết ơn các vai diễn, bởi nhờ đó mà bản thân được "khai sáng". Thấm thía lời dặn trong mơ của má ba: "Ráng ở lại đi hết con đường nghệ sĩ nha Châu. Con đường đặc biệt của nhà mình…", nên Hữu Châu luôn chăm chút từng vai diễn, dù rất nhỏ.

Khi được cùng Thành Lộc dựng lại vở Sân khấu về khuya bằng tên gọi mới Giáng Hương - vở diễn từng làm nên tên tuổi của Thanh Nga, Hữu Châu đóng vai Ba Hoài, một dấu mốc đặc biệt khác trong cuộc đời anh.

Nhân vật Ba Hoài từng lên đỉnh cao của danh vọng, nhưng sau một tai nạn từ thói ăn chơi trác táng, đã mất đi tất cả. Ông xin vào giúp việc cho vợ chồng Lĩnh Nam - Hương Giang, vì ngưỡng mộ tài năng của đàn em, cũng để sống lại quá khứ, dù chỉ qua bóng dáng của người khác.

Từ đầu, Ba Hoài xuất hiện lầm lũi với dáng đi cà nhắc do đôi chân tật nguyền, chứng kiến những mâu thuẫn của cậu mợ trong nhà bằng thái độ ý nhị, không bao giờ lên tiếng.

Bút ký "Hữu Châu: Chiếc nôi vàng giông bão": Trải qua giông bão, biết ơn tổ nghề - Ảnh 8.

Hữu Châu tận hưởng niềm vui du lịch một mình những khi không có lịch diễn

Nhưng khi Giáng Hương chỉ còn một mình vì Lĩnh Nam đã rời đi, mợ không còn gì ngoài một người phụ nữ cô độc, chỉ muốn bỏ hết tất cả, không còn là Giáng Hương, không còn là mợ, không có đoàn hát, không gì cả. Bà Sáu giúp việc (NSƯT Hoàng Trinh) cùng con gái Giáng Kiều ôm Giáng Hương khóc động viên mợ vực dậy, phân đoạn này làm những bạn xung quanh mình nức nở.

Giây phút đó, ánh sáng sân khấu tập trung vào 3 nhân vật Giáng Hương, Giáng Kiều và bà Sáu để làm sáng tâm tình của họ. Ở một góc khác của sân khấu, Ba Hoài đứng đó, một mình với bóng tối. Trong khoảnh khắc đó, đôi vai rung rung, những tiếng nấc nghẹn không thành lời của nghệ sĩ Hữu Châu đã làm quặn thắt theo những rung cảm ấy.

Anh có thể bất động trong bóng tối, bởi làm sao khán giả có thể nhìn thấy được cái nức nở ấy. Nhưng không, anh đã sống trọn vẹn với Ba Hoài, dù chỉ trong bóng tối và lặng lẽ, để rồi không phải ai cũng thấy, nhưng đã có vài khán giả bắt gặp khoảnh khắc xuất thần đó.

Hữu Châu không bao giờ dám chểnh mảng một phút giây nào trên sân khấu, anh nói mình không có quyền đó, vì anh nợ ơn khán giả, nợ ơn tổ nghiệp.

Thấm thía lời dặn trong mơ của má ba: "Ráng ở lại đi hết con đường nghệ sĩ nha, Châu. Con đường đặc biệt của nhà mình…", nên Hữu Châu luôn chăm chút từng vai diễn, dù rất nhỏ.

Kim Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link