Bất động sản Hưng Yên hết thời kỳ tăng nóng

12/07/2025 20:04 GMT+7 | Tin tức 24h

Chỉ cách đây không lâu, thị trường bất động sản Hưng Yên từng "dậy sóng" khi một ô đất trúng đấu giá đạt mức kỷ lục 158 triệu đồng/m2. 

Khi đó, sự kiện đã làm rúng động thị trường khiến nhiều người kỳ vọng rằng Hưng Yên sẽ trở thành điểm đến đầu tư bất động hấp dẫn nhất miền Bắc sau khi hợp nhất với Thái Bình.

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy một diễn biến trái ngược, thị trường đang dần hạ nhiệt, giá đất đi ngang, thậm chí một số khu vực đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ. Cơn sốt đã qua, để lại những người mua với tâm trạng chưng hửng, thất vọng.

Từ "sốt đất" đến cắt lỗ

Dạo một vòng trên các diễn đàn mạng xã hội và nhóm môi giới địa phương, không khó để bắt gặp những tin rao bán dày đặc với các cụm từ như "suất đất đẹp vị trí trung tâm", "đã có sổ đỏ, cần tiền bán gấp", "cam kết giá thấp hơn thị trường"… Tại các phường Phố Hiến, Sơn Nam (Hưng Yên), nơi từng là tâm điểm đấu giá vào đầu năm 2025, nay lại im ắng.

Ngày 11/7, phóng viên ghi nhận tại khu đất đấu giá tại phường Sơn Nam (trước là xã Bảo Khê – thành phố Hưng Yên), dù được đầu tư đồng bộ về hạ tầng như vỉa hè, điện chiếu sáng, đường nhựa quy hoạch kết nối với trung tâm hành chính công và tuyến giao thông huyết mạch, nhưng tuyệt nhiên không có khách đến xem đất.

Hưng Yên hết thời bất động sản tăng nóng - Ảnh 1.

Các khu đất đấu giá ở Hưng Yên có hạ tầng đồng bộ. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Những ki-ốt môi giới dựng lên từ nhiều tháng trước rơi vào tình trạng "ngồi chơi xơi nước". Một ô đất 2 mặt tiền, rộng 130m2, mặt tiền 6,5m, hương Đông Bắc được rao bán với giá 5,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Theo môi giới tên Trần Hoa giải thích: Người trúng đấu giá ô đất trên nhiều suất nên giờ muốn bán bớt để thu hồi vốn. Nếu thiện chí mua, có thể giảm thêm 20 triệu đồng.

Tương tự, tại ô đất nằm trong ngõ ô tô không thể đi vào tại phường Phố Hiến môi giới cũng bật mí: Nếu mua ngay trong tuần này đang có giá tốt, có thể tự quyết định giảm cho khách khoảng 20 triệu đồng so với giá đang đăng bán là 2,6 tỷ đồng cho diện tích 68m2. Không chỉ vậy, ngược lên các xã của huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ (cũ) những địa phương từng được xem là "thủ phủ công nghiệp" của tỉnh – cũng có tình trạng cắt lỗ hoặc bán hòa để rút tiền cọc.

Trên thực tế, đợt tăng nóng hồi quý I/2025 chủ yếu đến từ tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư khi tỉnh Hưng Yên mở rộng địa giới hành chính, đồng thời xuất hiện thông tin về hàng loạt quy hoạch đô thị, tuyến đường kết nối mới. Nhưng sau những thông tin "mồi", thị trường đã không duy trì được sức bật.

Chị Nguyễn Thị Hằng (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể lại, hồi tháng 3 chị mua lô đất tại xã Dương Quang (thị xã Mỹ Hào cũ) với giá 1,35 tỷ đồng với diện tích 50,5m2, mặt tiền – hậu 4,5m2 vuông vắn, hy vọng 3 tháng sau sẽ có lời ít nhất 100 -200 triệu đồng. Nhưng nay, dù đã có sổ đỏ trong tay, chị rao bán nhiều tuần vẫn không có người hỏi mua. "Đất có vị trí đẹp, gần các cụm khu công nghiệp lớn khoảng 1km nhưng rao mãi chẳng ai hỏi. "Cò" thì bảo thị trường đang chững, phải chờ cuối năm mới "bật" lại. Mình vừa mất thời gian, vừa mất chi phí cơ hội", chị Hằng ngán ngẩm nói.

Tình trạng này không phải là cá biệt. Một số người dân khác cũng rơi vào cảnh ôm đất chờ tăng giá nhưng rồi phải rao bán rẻ hơn so với kỳ vọng ban đầu. Anh Hoàng Hải Đăng (Lạc Hồng, Văn Lâm cũ) chia sẻ: "Nhà tôi trúng được hai suất đất đấu giá ở xã bên, định để đó sang năm bán lấy tiền xây nhà. Giờ mà bán thì lỗ hơn trăm triệu mỗi lô, nên đành để đấy".

Hưng Yên hết thời bất động sản tăng nóng - Ảnh 2.

Vắng vẻ người tìm mua đất tại các khu vực sau đấu giá. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Vì sao đất không tăng đang trở lại quỹ đạo?

Thị trường bất động sản Hưng Yên hết thời tăng nóng không phải hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động đan xen. Có thể thấy, thời điểm trước và sau sáp nhập tỉnh, nhiều xã, huyện trên địa bàn Hưng Yên đã đồng loạt tổ chức đấu giá đất. Có nơi chỉ trong vài tháng đã đưa ra thị trường hàng trăm suất. Trong khi đó, lực cầu thực – người mua để ở – lại không tăng tương ứng. Thậm chí, không ít người chỉ mua theo tâm lý đám đông, kỳ vọng "lướt sóng" kiếm lời ngắn hạn.

Cũng có một yếu tố, kỳ vọng lớn nữa khi mở rộng địa giới hành chính là làn sóng cán bộ, công chức và người lao động từ Thái Bình (cũ) sẽ chuyển về Hưng Yên sinh sống và làm việc, từ đó kéo theo nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, do khoảng cách địa lý không quá xa, hệ thống giao thông thời gian tới sẽ được cải thiện và kết nối thuận tiện cũng khiến nhiều người chưa vội xuống tiền mua đất.

Đặc biệt mới đây, khi nhiều cơ quan, đơn vị và tỉnh đã hình thành các tuyến xe buýt công và đi lại bằng phương tiện cá nhân thuận lợi nên nhiều cán bộ Thái Bình lựa chọn "đi về trong ngày" thay vì mua nhà ở Hưng Yên. Điều này khiến nhu cầu thực mua đất ở tại Hưng Yên không tăng mạnh như dự kiến.

Môi giới bất động sản giới thiệu về các ô đất đang rao bán. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Sau nhiều bài học "lướt sóng hụt" và sự sụt giảm thanh khoản năm 2023–2024 trên toàn quốc, nhà đầu tư bất động sản đã cẩn trọng hơn. Tại Hưng Yên, đợt sốt đất đầu năm 2025 bị nhiều người đánh giá là "sốt ảo" do thông tin quy hoạch, cộng với việc môi giới "đẩy giá" quá cao so với thực tế, nên sau khi thị trường nguội, người mua không còn mặn mà. Tại khu vực dự kiến đặt khu hành chính mới của tỉnh Hưng Yên có ký hiệu NU9, có giá lên đến 80-100 triệu đồng/m2, trong khi hạ tầng kết nối cũng mới dừng ở quy hoạch hoặc đang triển khai dở dang. Điều này khiến người mua hoài nghi về tiềm năng thực sự, từ đó trì hoãn quyết định mua.

Trong bối cảnh đó, việc thị trường bất động sản Hưng Yên hạ nhiệt và "đi ngang" cũng được xem là dấu hiệu cho thấy nó đang quay trở lại trạng thái lành mạnh, thay vì tăng trưởng nóng thiếu bền vững.

Ông Đỗ Chí Công, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: "Hưng Yên có lợi thế rõ ràng về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và tốc độ công nghiệp hóa, nhưng thị trường vẫn cần thời gian để tiêu hóa nguồn cung quá lớn thời gian qua. Sắp tới, giá sẽ tiếp tục đi ngang, chỉ những khu vực thực sự có hạ tầng đồng bộ, pháp lý rõ ràng mới có thanh khoản.

Thị trường bất động sản Hưng Yên hiện nay không còn là "mỏ vàng" dễ khai thác như nhiều người từng lầm tưởng. Tăng trưởng nóng đã qua, giờ là lúc thị trường tự điều chỉnh để tìm lại sự cân bằng giữa cung và cầu. Với những người đầu tư theo kiểu "ăn xổi", cơn sốt đất qua đi là một hồi chuông cảnh tỉnh. Còn với những người mua để ở hoặc đầu tư dài hạn, giai đoạn này lại là thời điểm tốt để cân nhắc lựa chọn khu vực có tiềm năng thực sự, không chạy theo đám đông và tin đồn thổi.

Theo Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, lượng người dân đến bộ phận một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai...có tăng. Tuy nhiên, lượng hồ sơ tăng là do tình trạng nhiều người dân đi làm giấy tờ đất đai chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại những thay đổi khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Trung ương và Chính phủ chứ không hẳn là đến từ việc giao dịch, mua bán, sang nhượng bất động sản.

Mạnh Khánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link