03/07/2025 12:12 GMT+7 | Văn hoá
Sau sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, phường Hoàn Kiếm và phường Cửa Nam (Hà Nội) trở thành vùng lõi trung tâm của Thủ đô, nơi tập trung mật độ di tích văn hóa cao nhất, đồng thời là biểu tượng đặc sắc của bản sắc đô thị Thăng Long - Hà Nội.
Trong đó, khu phố cổ Hà Nội với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú đang được thành phố tập trung bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị một cách bền vững.
*Khu phố cổ - bảo tàng sống
Khu phố cổ Hà Nội có tổng diện tích khoảng 100 ha, gồm 76 tuyến phố, có địa giới được phân định với các đường phố như: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật. Đây được ví như một “bảo tàng sống”, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển qua từng giai đoạn của Thăng Long - Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) thăm đền Ngọc Sơn, dạo phố cổ Hà Nội về đêm. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Trên địa bàn hai phường hiện lưu giữ trên 190 di tích lịch sử - văn hóa, gồm nhiều công trình tiêu biểu như: quần thể Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò, quảng trường 19/8, Nhà thờ lớn, di tích 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài vua Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân…
Những ngôi nhà cổ, kiến trúc truyền thống cùng hệ thống đình - chùa - miếu, tập tục và lối sống gắn với không gian làng nghề truyền thống tạo nên nét văn hóa độc đáo. Không chỉ phản chiếu điều kiện địa lý, sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân xưa, khu phố cổ còn là nơi giao thoa của văn hóa Đông - Tây, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân dạo phố cổ Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Về di sản phi vật thể, các hình thức nghệ thuật truyền thống như ca trù, hát xẩm, hát văn… vẫn được gìn giữ, trình diễn, phục dựng và lan tỏa. Trong số đó, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, hệ thống lễ hội truyền thống như: Đền Bạch Mã, Trung thu phố cổ, đình Kim Ngân, Hội nghề kim hoàn, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ… được tổ chức thường niên, phản ánh chiều sâu tín ngưỡng, tâm linh và tinh thần cộng đồng.
Không gian sống của người dân Hoàn Kiếm gắn với các hoạt động văn hóa sinh hoạt như: Biểu diễn dân gian tại phố đi bộ, ẩm thực đường phố, góc phố truyền thống gắn làng nghề xưa… tạo nên một quần thể văn hóa sống động, nơi quá khứ - hiện tại hòa quyện. Đặc biệt, các phố nghề truyền thống (Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Mã, Hàng Chiếu…) kiến thiết nên trung tâm buôn bán bậc nhất kinh kỳ, vừa giữ chức năng thương mại, vừa phản ánh cấu trúc đô thị truyền thống và nếp sống văn minh của Hà Nội xưa.
Đoàn diễu hành đi qua những con phố cổ của Hà Nội. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Sau khi sáp nhập, phường Cửa Nam có diện tích 1,65 km², quy mô dân số 65.667 người, hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh, phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Cửa Nam, một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm cũ); Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng cũ).
Còn phường Hoàn Kiếm rộng 1,93 km², dân số 71.280 người, gồm toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm cũ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đồng Xuân, Tràng Tiền, Cửa Đông, Hàng Bông, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm cũ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm cũ), Điện Biên (quận Ba Đình)… Cả hai phường tọa lạc trong trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa của Thủ đô, nơi hội tụ các giá trị lịch sử, kiến trúc và nhân văn đặc sắc.
Đoàn diễu hành đi qua di tích lịch sử Ô Quan Chưởng. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
*Phát huy giá trị di sản
Tại buổi lễ công bố thành lập phường Cửa Nam, ông Phạm Tuấn Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường nêu rõ năm nhiệm vụ trọng tâm: Quản lý đô thị gắn với bảo tồn di sản; cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát triển kinh tế - du lịch - thương mại hiện đại; nâng cao chất lượng văn hóa - giáo dục - y tế; giữ vững quốc phòng - an ninh. Phường đặt mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế ban đêm, phố đi bộ, tuyến phố di sản - nghệ thuật, chỉnh trang không gian công cộng và bảo tồn phố mang dấu ấn Pháp.
Ngôi nhà di sản, địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi tới phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Sau sắp xếp, phường Hoàn Kiếm gắn với hồ Hoàn Kiếm là địa danh có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, mang tính đại diện cho cả nước và Thủ đô; đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội là không gian lịch sử - văn hóa tiêu biểu, hội tụ và kết tinh toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc, là nơi tập trung hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, phản ánh rõ bản sắc văn minh sông Hồng. Các di sản phân bố dọc hai bờ sông, gắn liền với các vùng kinh đô, đô thành, đô thị cổ. Không địa phương nào trong cả nước có mật độ di sản văn hóa tiêu biểu cao như Hà Nội. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá, tạo nền tảng để Thủ đô phát triển bền vững.
Trong nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm (cũ) đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án chỉnh trang hạ tầng, xây dựng không gian văn hóa công cộng, tu bổ, tôn tạo di tích và phát triển văn hóa - xã hội.
Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - nền tảng tinh thần dân tộc phục vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác này nhận được sự quan tâm từ thành phố; phối hợp từ các sở, ban, ngành; hỗ trợ chuyên môn từ nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ nhân và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như giá trị di sản chưa được khai thác xứng tầm dù đã được khai thác nhiều năm. Nhiều nhà cổ xuống cấp, thiếu kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giãn dân khu bảo tồn gặp khó khăn. Công tác quản lý di sản còn chồng chéo; việc tổ chức du lịch chưa đồng bộ; cơ sở dịch vụ đạt chuẩn cho du khách còn thiếu; vệ sinh đô thị, an toàn thực phẩm, quản lý rác thải ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Du lịch phố cổ và cộng đồng dân cư đang đặt ra bài toán: Làm sao kết hợp phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, bền vững mà không làm mai một bản sắc văn hóa, giảm tải áp lực dân số, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương.
Du khách nước ngoài sử dụng xích lô thưởng ngoạn nét đẹp cổ kính của Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa khu phố cổ, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Sử dụng truyền thông đại chúng, mạng xã hội, triển lãm, bảo tàng, lễ hội nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và trách nhiệm của người dân, khơi dậy tự hào văn hóa, thúc đẩy đạo đức kinh doanh du lịch. Đặc biệt, thành phố cần nâng cao hiệu quả quản lý du lịch, lữ hành; thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cải tạo chỉnh trang để gìn giữ, phát huy các giá trị đô thị lịch sử; quy định rõ quy tắc ứng xử, bảo vệ cảnh quan, cân bằng nhịp sống di sản. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng tăng vốn, nhân lực cho trùng tu, tôn tạo di tích; kiểm soát chất lượng trùng tu; khuyến khích xã hội hóa trong bảo tồn, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Hà Nội nghiên cứu xây dựng thương hiệu, sản phẩm mang giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc, thu hút khách du lịch bằng trải nghiệm nghề thủ công, ẩm thực, câu chuyện văn hóa, hướng dẫn tại điểm đến; khôi phục làng nghề tiêu biểu, gắn lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra nhiều hình thức tăng cường quảng bá qua truyền thông, tổ chức sự kiện văn hóa, không gian sáng tạo; kết nối phố cổ vào bản đồ du lịch Hà Nội; ứng dụng công nghệ trong quản lý, đào tạo con người, nghiên cứu thị trường, số hóa di sản, xây dựng ngân hàng dữ liệu; lựa chọn hoạt động văn hóa - du lịch phù hợp không gian di sản; bảo vệ cảnh quan, hiện trạng di tích... Song song với đó, công tác đào tạo chuyên môn cho cán bộ, hướng dẫn viên, quản lý di tích cũng được chú trọng, nhằm nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa.
Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trên không chỉ giữ gìn bền vững giá trị di sản; mà còn góp phần xây dựng đô thị lịch sử - điểm đến văn minh, tạo cơ hội phát triển toàn diện Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất