Bắc Ninh với cơ hội nâng tầm, bứt phá phát triển du lịch
UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào, vinh dự của Việt Nam và của các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng nơi có quần thể di tích.
Đây còn là cơ hội để du lịch Bắc Ninh nâng tầm, bứt phá, quảng bá, khai thác các giá trị đặc sắc của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Mai Sơn, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thứ 9 của Việt Nam được vinh danh di sản thế giới. Quần thể di sản trải dài trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng với 12 điểm di tích và danh thắng được quy hoạch đồng bộ gắn kết thành một thể thống nhất cả về không gian và tâm linh.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương được trưng bày. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN
Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc hội tụ nhiều giá trị nổi bật toàn cầu; không chỉ là những công trình kiến trúc cổ kính mà còn là minh chứng sống động cho sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm - thiền phái độc đáo của Việt Nam, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.
Nằm trong Quẩn thể di tích và danh thắng, chùa Vĩnh Nghiêm (phường Tân An) và chùa Bổ Đà (phường Vân Hà) tại tỉnh Bắc Ninh được nhìn nhận là 2 trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, có vai trò quan trọng trong việc duy trì phát triển đạo Phật.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; quan tâm đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo di tích theo nguyên tắc bảo tồn di sản thế giới thông qua xây dựng hệ thống các văn bản, quy định trong việc bảo tồn di sản đúng quy định và phù hợp thực tiễn địa phương...

Bộ tượng Tam Tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm, gồm 3 pho tượng: Đệ Nhất Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Đệ Tam Tổ Huyền Quang. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Bùi Thị Thu Thủy, năm 2026 tỉnh đặt mục tiêu đón tổng lượt khách du lịch là 7,1 triệu; trong đó 420 nghìn lượt khách quốc tế, 6,68 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh dự kiến đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2025.
Năm 2026, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh sẽ rà soát, tham mưu bổ sung, sửa đổi nghị quyết chuyên đề du lịch, quy hoạch du lịch, đề án phát triển du lịch và hệ thống văn bản pháp luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành thống nhất các chính sách thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất.
Đồng thời, tích hợp, cập nhật Quy hoạch phát triển du lịch mới cho toàn tỉnh đến 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045.
Địa phương sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Bắc Ninh với tên gọi, logo, slogan thống nhất cho tỉnh du lịch mới; thiết kế lại bản đồ, website, các ấn phẩm, quà tặng du lịch cấp tỉnh…

Các liền anh, liền chị biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Địa phương sẽ tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Bắc Ninh năm 2026, gắn với các sản phẩm nổi bật như: Quan họ - Ca trù - Chèo - Làng cổ - Lễ hội truyền thống - Ẩm thực Kinh Bắc. Đặc biệt là chào mừng sự kiện Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới; Hội Lim, nghệ thuật Chèo, dân ca Soọng cô và nghề làm bánh đa nem Thổ Hà tỉnh Bắc Ninh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2026, tỉnh Bắc Ninh còn xây dựng các tour - tuyến du lịch kết nối để đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch đến với vùng quê Kinh Bắc như: "Hành trình Kinh Bắc - Yên Thế", "Từ Quan họ tới Ca trù", "Làng nghề - Lễ hội - Danh thắng"; Theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông (Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc)…

Các liền anh Quan họ say sưa trong những làn điệu Quan họ cổ tại canh hát. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Đáng chú ý, tỉnh sẽ chọn 10-15 điểm đến du lịch tiêu biểu đại diện cho vùng hợp nhất để đầu tư hạ tầng, dịch vụ; kết nối các điểm đến theo cụm, đảm bảo hạ tầng giao thông - biển chỉ dẫn đồng bộ; xây dựng Chương trình xúc tiến du lịch, sản phẩm du lịch trọng điểm của tỉnh…
Tỉnh Bắc Ninh mới hiện nay được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh cũ và Bắc Giang cũ, với tổng diện tích tự nhiên 4.718,6 km2, quy mô dân số trên 3,6 triệu người; 99 đơn vị hành chính cấp xã.
Bắc Ninh nổi tiếng là vùng đất cổ; trung tâm của xứ Kinh Bắc; vùng đất "địa linh nhân kiệt"; dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Toàn tỉnh có 1 khu du lịch và 34 điểm du lịch. Các sản phẩm du lịch chủ yếu gồm du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng.

Mời trầu là văn hóa độc đáo của người Quan họ. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, năm 2025 tỉnh dự kiến đón 5,6 triệu lượt khách du lịch. 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã đón 4,578 triệu lượt khách, đạt 81% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh đạt 3.870 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bắc Ninh đã tổ chức thành công Lễ hội xuân Tây Yên Tử năm 2025; Lễ hội ẩm thực, du lịch năm 2025; Chương trình "Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu Đông Hồ" tại bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; Trưng bày gian hàng tại phố đi bộ, chương trình Hát quan họ trên thuyền nhân dịp 30/4/2025; Tuần văn hóa, du lịch "Gốm và Làng nghề truyền thống Bắc Ninh năm 2025", diễn ra từ 18-22/6/2025, với quy mô 100 gian hàng...