Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic: Chiếc huy chương của thể dục dụng cụ

22/05/2025 05:45 GMT+7 | Thể thao

Tại Cúp TDDC thế giới (World Challenge Cup) 2025, chặng Varna, diễn ra tại Bulgaria vừa qua, đội tuyển TDDC Việt Nam đã xuất sắc giành 1 HCV, 1 HCB. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, TDDC Việt Nam có HCV tại World Cup, kể từ chặng ở thành phố Koper, Slovenia, năm 2018. Khi đó, chúng ta giành tới 2 HCV.

Thành tích này đã thắp thêm hy vọng cho TDDC Việt Nam trên hành trình trở lại đấu trường khu vực và quốc tế, cũng như tạo động lực lớn cho các tuyển thủ tự tin chinh phục mục tiêu đứng đầu toàn đoàn tại SEA Games 33 vào cuối năm nay tại Thái Lan. Phần nào đó, nỗi thất vọng khi không giành được suất dự Olympic Paris 2024 cũng nguôi ngoai.

TDDC là môn khắc nghiệt bậc nhất trong thế giới thể thao chuyên nghiệp. Người chơi nghiệp dư cũng không nhiều, trở thành VĐV chuyên nghiệp lại càng ít. Tại Việt Nam, cũng chỉ có những thành phố lớn mới duy trì được môn này khi mà "đầu vào" rất khó tìm. Các HLV phải tự mình đi tìm tài năng do hệ thống thi đấu của TDDC không phong phú như các môn khác.

Từ sau SEA Games 2005, với lứa tài năng đầu tiên như Ngân Thương, Minh Sang…, TDDC Việt Nam trở thành một thế lực của Đông Nam Á qua các kỳ SEA Games. Chúng ta cũng đã có huy chương ở tầm vóc thế giới, nhưng sự thật là môn này vẫn rất khó để tạo ra sự đột phá về thành tích dù theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta có nguồn lực VĐV do phù hợp thể chất.

Tại SEA Games 32, đội tuyển TDDC Việt Nam đoạt 4 HCV nhưng chúng ta lại không có vé dự Olympic, trong khi đó nhà vô địch thế giới Carlos Yulo của Philippines lại gây chấn động khi thắng 2 HCV tại Paris 2024. Trong quá trình thi đấu ở SEA Games, dựa trên thông số kỹ thuật, các VĐV Việt Nam thậm chí còn nhỉnh hơn Yulo, nhưng ở tầm vóc thế giới, câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic": Chiếc huy chương của thể dục dụng cụ - Ảnh 1.

TDDC Việt Nam sẽ được đầu tư mạnh sau thành công ở Cúp thế giới. Ảnh: Hoàng Linh

Không khó để tìm ra sự khác biệt: chiến lược đầu tư tài năng. Ở những môn được xem là thế mạnh hoặc không bị rào cản về thể chất, thì khả năng vươn tầm vẫn phụ thuộc vào đầu tư. Carlos Yulo có thể đạt được đẳng cấp thế giới nhờ quá trình học tập và rèn luyện ở Nhật Bản, một cường quốc của môn này. Thông qua quỹ đầu tư tài năng được quản lý bởi chính phủ, hành trình vươn lên của Yulo được cho là không phải lo lắng về yếu tố tài chính. Có thể nói, thể thao Philippines đã "hái quả ngọt" từ chính cách làm của mình.

Đó cũng là điểm giới hạn của TDDC Việt Nam. Môn thể thao này không chỉ đòi hỏi về yếu tố con người mà còn ở trang thiết bị tập luyện. Những chuyến tập huấn nước ngoài dài hạn, được rèn luyện quen thuộc trong môi trường và thiết bị hiện đại nhất, chắc chắn sẽ tạo ra thành tích thi đấu ở đẳng cấp quốc tế. Vấn đề là để làm như vậy, thì cần có nguồn ngân sách lớn dành riêng cho TDDC, môn cũng khá "kén" nhà tài trợ.

Mất đến 7 năm chúng ta mới có chiếc HCV ở đấu trường thế giới mặc dù không gặp khủng hoảng về nhân sự khi vẫn thi đấu thành công tại SEA Games, rõ ràng rất đáng suy nghĩ, nhất là khi thể thao Việt Nam đang tiến hành chọn lựa các môn trọng điểm để đầu tư vươn tầm.

Cần phải có những quyết sách riêng dành cho các môn khắc nghiệt, mất rất nhiều thời gian để tạo ra một tài năng nhưng giai đoạn thi đấu đỉnh cao của VĐV thì khá ngắn như TDDC. Không thể có những thành tích đột phá khi nền tảng tập luyện, thi đấu đều lạc hậu so với thế giới. Nỗ lực của VĐV là một chuyện, nhưng chỉ chừng đó là không đủ.

Được biết là sau thành công của Cúp thế giới vừa qua, Cục TDTT Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư mạnh cho đội tuyển TDDC, đó là tin mừng vì dù muộn vẫn còn hơn không.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link