Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Phạm Công Luận và những trang văn tôn vinh sự bao dung vĩnh cửu

23/05/2025 06:43 GMT+7 | Văn hoá

Trang trại cuối rừng - tác phẩm vào Top 10 Chung khảo Giải thưởng Dế Mèn năm 2025 là bất ngờ dễ thương bởi đây là tác phẩm mới, đánh dấu sự trở lại với văn học thiếu nhi của một tác giả thành danh. 

Gần như đều đặn mỗi năm, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận xuất bản một (hoặc đôi khi nhiều) tác phẩm chuyên khảo về Sài Gòn - TP.HCM. Từ chuyện các bài báo Tết ngày xưa, đến chuyện biếm họa trên báo. Rồi những mảnh không gian đô thị mà thời gian dần đẩy lui về quá vãng. Đi sâu hơn vào những khu như Chợ Lớn, Phú Nhuận… nhặt lấy mảnh đời mảnh tình của một thành phố ngoảnh lại đã trăm năm (Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm là tên một tập hồi ức, sưu khảo, ghi chép về văn hóa Sài Gòn của tác giả Phạm Công Luận).

Xôn xao phố thị

Cho nên, khi anh xuất bản cùng lúc hai tác phẩm thiếu nhi: Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng, nhiều độc giả "ruột" của dòng sách viết về Sài Gòn của anh cảm thấy lạ. Tuy lạ mà không mới, ấy vì trước đây nhà văn Phạm Công Luận từng xuất bản tác phẩm thiếu nhi Chú bé Thất Sơn, đạt Giải Văn học Thiếu nhi Vì tương lai đất nước năm 1993. 

Có thể nói, Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng là những tác phẩm đưa tác giả Phạm Công Luận trở lại xứ sở của văn chương thiếu nhi. Đồng thời là sự chuyển dịch từ lối viết nghiêm cẩn và nên thơ của các tác phẩm phi hư cấu sang thế giới của hư cấu. 

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Phạm Công Luận và những trang văn tôn vinh sự bao dung vĩnh cửu - Ảnh 1.

Nhà văn Phạm Công Luận

Ở Xóm thiên đường (NXB Kim Đồng)dẫu là truyện nhưng vẫn đi chưa xa ra khỏi nơi chốn mà nhà văn Phạm Công Luận quen thuộc: Sài Gòn. Một xóm nhỏ trong hẻm nhỏ với những câu chuyện nhỏ. Mọi điều bé nhỏ ấy lại đủ sức ngân lên giữa lòng một đô thị huyên náo, tựa hồ tiếng chuông gió leng keng giữa trưa hè oi ả trên xứ nhiệt đới gió mùa này. Cái tiếng chuông thanh mà đủ sức xoa dịu tâm hồn, hay như tác giả đã viết: "một giấc mơ thơm ngát có âm thanh réo rắt của cái khánh và tiếng đàn" (trích Xóm thiên đường). 

Thông qua những câu chuyện vui buồn gói gọn trong xóm nhỏ ấy, nhà văn Phạm Công Luận đã mang tới cho độc giả những điều bé bỏng dễ thương, giúp trẻ em nuôi dưỡng tâm hồn bằng những điều bình dị xung quanh mình. Ở đó, người lớn trở thành tấm gương để những đứa trẻ soi vào từng hành động của ông bà cô dì chú bác trong xóm, mà biết yêu, biết sống.

Bằng cách đó, cái Xóm Chùa bé nhỏ "bình thường như bao xóm khác trên đất Gia Định này" trở thành một thiên đường không chỉ trong ký ức cư dân ở đây, mà còn lấp lánh trong tâm trí các bạn nhỏ. Hay nói như phần giới thiệu ở bìa bốn, đây là cuốn sách dành cho "những người con của Sài Gòn". 

Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Đến nay, anh đã xuất bản Sài Gòn - Chuyện đời của phố (bộ 5 cuốn); Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa; Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm; Với ngày như lá, tháng như mây; Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ (in chung với Lâm Nguyễn Kha Liêm); Sài Gòn đẹp xưa; Hồi ức Phú Nhuận; Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975; Có một thời ở Chợ Lớn; cùng một số tác phẩm khác.

Trong đó, tác phẩm anh viết cùng vợ, lấy bút danh chung Phạm Lữ Ân - Nếu biết trăm năm là hữu hạn - đã tái bản tới 30 lần trong vòng 10 năm.

Hòa âm thiên nhiên

Rời khỏi xóm thiên đường, nhà văn Phạm Công Luận để cho nhân vật của mình rời xa không gian quen thuộc của anh: thành phố, để quay về với thiên nhiên. Cụ thể trong tác phẩm Trang trại cuối rừng là một trang trại - nơi ông nội của hai cậu bé thị dân sẽ dạy hai cậu lòng bao dung, sự thứ tha. 

Truyện bắt đầu bằng kỳ nghỉ Hè của hai anh em Thuyên - Chương, về sống chung với ông nội, vì ba mẹ bận đi công tác xa. Thêm một lý do nữa là "có một khu vườn lớn và rất nhiều con vật chung quanh để tìm hiểu là điều không có ở cuộc sống đô thị" (trích Trang trại cuối rừng). 

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã vẽ trên trang sách một "trang trại nằm vắt vẻo trên một vùng bán sơn địa, có đồi, xa xa là núi". Đây là mảnh quê hương của ông nội, chốn ông gắn bó suốt thời trai trẻ cho đến lúc lên Sài Gòn đeo đuổi việc đèn sách và chọn đô thị phương Nam này là nơi sinh cơ lập nghiệp. Ở tuổi cổ lai hy, sau khi người vợ tào khang qua đời, ông mới trở về trang trại như trở về với một góc thiên đường khác cũng giống góc thiên đường nơi xóm nhỏ trong Xóm thiên đường. 

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Phạm Công Luận và những trang văn tôn vinh sự bao dung vĩnh cửu - Ảnh 3.

Hai cuốn sách "Trang trại cuối rừng" và "Xóm thiên đường" của Phạm Công Luận

Và cũng giống Xóm thiên đường, tác phẩm Trang trại cuối rừng khởi đi từ những điều bé nhỏ nhưng đủ sức làm dịu mát tâm hồn, làm hồi sinh những cảm xúc tưởng chừng bị bào mòn, rút cạn trong nhịp sống xô bồ của thời hiện đại. Kể cả trong thời hiện đại, thì con người vẫn có thể tìm lại cho mình một góc thân thương, nơi chốn để ta quay về, như xóm nhỏ thị thành, như trang trại miền quê. Trở về để được tắm gội trong lòng thiện ban sơ mà đâu đó trên hành trình dấn bước theo nhịp đời xao động, ta đã quên mình từng mang điều tốt đẹp đó. 

"Thành phố của anh" - câu nói làm Thuyên mỉm cười. Thành phố quá rộng lớn nên chưa bao giờ Thuyên nghĩ như vậy dù sinh ra ở đó. Đôi khi cần người nào đó nhắc để nhìn lại nơi mình đang sống. Thuyên yêu nơi mình sống một cách tự nhiên, nhưng Thuyên cũng có tình cảm sâu đậm với vùng đất đang ngồi đây, trong ánh sáng mờ mờ của ánh trăng và trong làn gió lao xao lay động những cây tre, cây dừa ngoài kia". (trích Trang trại cuối rừng).

Tác phẩm ngắn này là lời nhắc nhở. Rằng các bé thơ ơi (và cả những ai không còn thơ bé), chưa đến hồi tuyệt vọng. Rằng vẫn tồn tại tình người ấm áp khắp quanh ta.

Vì thế, trong Trang trại cuối rừng đã lấp lánh cái tinh thần của Xóm thiên đường, nhưng nhịp phố phường đã hòa điệu vào bản nhạc thiên nhiên, với muông thú, với cỏ cây. Nhân vật không chỉ về với thiên nhiên như một chốn ẩn lánh con người, mà về với thiên nhiên để nhận ra vẻ đẹp của con người. 

Trang trại cuối rừng còn hồi vọng về tác phẩm cách đây hơn ba mươi năm của chính tác giả Phạm Công Luận: Chú bé Thất Sơn (Thất Sơn là cái tên trỏ về vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang). Cũng là một kỳ nghỉ ở miền quê. Cũng là những con người mang một tâm hồn thiện lương và quyết giữ vẹn sự thiện lương ấy dẫu bao nhiêu nghịch cảnh thử thách. 

Truyện thiếu nhi của nhà văn Phạm Công Luận do đó hình thành một phong vị chung, tuy có cách biệt thời gian nhưng vẫn nguyên sự nhất quán trong cách lựa chọn đề tài, nhân vật, đến cả lối hành văn bỏ qua cái cầu kỳ để trực tiếp hướng đến một điều mà theo tôi thấy người soạn bìa bốn của cuốn Trang trại cuối rừng đã nói rất trúng. Đó là tôn vinh "sự bao dung vĩnh cửu của trái tim con người"

DANH SÁCH TOP 10 CHUNG KHẢO GIẢI DẾ MÈN 2025

(xếp theo thứ tự a, b, c của tên tác phẩm)

1. 120 năm lưu lạc của rùa xám đen Hy Lạp (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

2. À ơi (bản thảo tập thơ của Vũ Thị Thanh Tâm, minh họa: Windy Trúc Hoàng)

3. Bộ 14 tranh của họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (13 tuổi)

4. Có một Trái Đất phẳng trong mắt em (bản thảo tập thơ của Lý Thăng Long)

5. Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá (truyện tranh của nghệ sĩ Quang Thảo và Comicola Studio, NXB Dân trí)

6. Cuốn cổ thư của một mẫu thần (truyện của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, NXB Kim Đồng)

7. Hai cuốn truyện của Dy Duyên: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu (Đốm Đốm vẽ) và Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố (Thanh Vũ vẽ) (NXB Kim Đồng)

8. Khu tập thể đường tàu (truyện vừa của Đặng Ngọc Hưng, NXB Trẻ)

9. Trang trại cuối rừng (truyện của Phạm Công Luận, NXB Kim Đồng)

10. Về quê - Khúc đồng dao của bé (tuyển tập nhạc đa phương tiện của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến, NXB Đại học Sư phạm)

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Phạm Công Luận và những trang văn tôn vinh sự bao dung vĩnh cửu - Ảnh 6.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link