28/05/2025 07:08 GMT+7 | Văn hoá
Cùng lúc có 2 tác phẩm lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Dế Mèn 2025, Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu và Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố, Dy Duyên trở lại nhẹ nhàng cùng những áng văn lấp lánh, đầy sức chạm như một làn gió mới trong bầu không khí văn học thiếu nhi hôm nay. Đến với sáng tác ở tuổi 30, cô xem viết cho thiếu nhi không phải là một lựa chọn, mà là điều tự nhiên gắn liền với tâm hồn, con người mình.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025
Trước thềm Lễ trao giải Dế Mèn 2025, Dy Duyên dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện về lựa chọn con đường gắn bó với văn học thiếu nhi.
Cảm thấy được trở về nhà
* Hai tác phẩm "Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố" và "Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu" cùng lúc lọt vào Top 10 giải Dế Mèn 2025 - đó hẳn là một niềm vui lớn. Cảm xúc của chị khi đón nhận tin vui này là gì?
- Khi đọc bài báo công bố Top 10 giải Dế Mèn cảm xúc đầu tiên của tôi là "ngỡ ngàng" vì tôi không nghĩ cả 2 tác phẩm đều lọt vào Top 10. Sau sự ngỡ ngàng là cảm giác về niềm vui của sự chia sẻ. Nó đến từ sự chia sẻ với những người cùng làm sách với mình, với gia đình và những người thân thiết.
Tác giả Dy Duyên
* Viết cho thiếu nhi, nhất là những "thiếu nhi trong tâm hồn", là một lựa chọn đặc biệt. Điều gì đã đưa chị đến với lựa chọn này?
- Mãi đến năm 29 tuổi, tôi mới thực sự tiếp xúc với văn học thiếu nhi, nhưng ngay lập tức, tôi đã cảm thấy được trở về nhà, với điều đơn thuần nhất thuộc về con người mình.
Ngay từ những ngày đầu tiên đặt bút xuống để thử viết một câu chuyện vào năm 30 tuổi, tôi đã có cảm giác mạnh mẽ rằng mình sinh ra để viết, và dù tôi có đến từ đâu, lớn lên ở nơi nào, làm việc gì đi nữa thì rồi tôi cũng sẽ gặp gỡ với việc viết và đi trên con đường này. Vì vậy mà viết cho thiếu nhi không phải là một lựa chọn với tôi. Nó là một điều đơn giản, tự nhiên như phải thế, là thứ sinh ra cùng với tôi, và theo sự gắn bó với thời gian, nó là cách mà tôi hiện diện ở thế giới này.
2 tác phẩm “Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu” (Đốm Đốm vẽ, NXB Kim Đồng) và “Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố” (Thanh Vũ vẽ, NXB Kim Đồng) của Dy Duyên
* Chị từng nói mình yêu thích đi dạo, nghĩ ngợi, đọc sách và những điều yên tĩnh. Những nếp sống ấy ảnh hưởng ra sao đến quá trình viết của chị?
- Đến một thời điểm, tôi nghĩ, lối sống và công việc viết lách là 2 thứ gần như đan quyện vào nhau, khó có thể nói cái này hay cái kia ảnh hưởng lên nhau nhiều hơn. Lối sống của tôi đã dẫn đến việc viết nhưng cũng vì công việc viết lách mà lối sống đó được định hình sâu sắc, rõ nét hơn.
* Vậy với chị, một ngày sáng tác lý tưởng sẽ bắt đầu như thế nào?
- Một ngày sáng tác lý tưởng có lẽ là ngày mà tôi có thể viết được 2, 3 trang giấy và dừng viết ở đoạn mà mình cảm nhận được phía trước câu chuyện là một không gian rộng mở vào ngày mai.
Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi thấy, ngày sáng tác lý tưởng không hẳn phải là một ngày viết suôn sẻ. Đó có thể là ngày mà tôi "viết sai", viết mãi, viết mãi vẫn không thấy đúng, hoặc là ngày tôi chỉ ngồi trước tờ giấy trắng hàng giờ liền, thấy bất lực và thất vọng về bản thân nhưng đó vẫn là một ngày lý tưởng khi tôi vẫn có mặt ở bàn, và viết. Thế nên, tôi nghĩ, một ngày sáng tác lý tưởng là ngày mình giữ được kỷ luật với bản thân mình.
Đánh giá về 2 tập truyện của Dy Duyên
Tập truyện Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu mở ra vẻ đẹp "siêu thực" ở nông trại Cúc Cu, khi đàn vịt đi bắt sâu để bảo vệ vườn rau cùng con dơi, con mèo.
Trong thế giới "siêu" cổ tích đó, rất nhiều chi tiết tỏa sáng lấp lánh như cảnh con mèo và con dơi dậy từ tinh mơ bắt sâu và lần đầu tiên chúng trải nghiệm cảm giác… đón bình minh; là thư viện kia, nơi con chuột giữ sách luôn cảm thấy thấy buồn vì cuốn sách hay không có người đọc… Đây là câu chuyện về môi trường xanh, về bài học chiến thắng nỗi sợ theo một cách thức rất "thiền" - phải nhìn thẳng vào nó thì mới nhìn thấy nó; về con thỏ hoang cũng biết đòi quyền được ăn rau và điều đó khiến cho ông chủ vườn rau đã mở lòng, cho mọi loài vật được vào một khu để ăn rau thoải mái - một triết lý sinh tồn, cùng tồn tại hài hòa.
Trong khi đó, tập truyện Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố, có một nhan đề mộc mạc, giản dị, nhưng đủ để khơi gợi người đọc bước vào thế giới giả tưởng mà người viết và người vẽ tạo ra. Ý tưởng về việc mỗi người đều có một cái hố - một nỗi đau, một mất mát nào đó - vĩnh viễn không thể lấp đầy, được tác giả kể chuyện theo cách rất tinh tế để cho cả trẻ con và người lớn đều đọc và đều có thể thích được (với những nhân vật như em bé, quái vật, cấu trúc cốt truyện theo hướng giải đố, nhưng hóa ra đây lại là một câu đố không thể giải, chỉ có thể biết nguyên nhân và chấp nhận tình trạng bất toàn này của cuộc sống).
Truyện để lại một dư âm tươi đẹp về sự cảm thông, đồng hành giữa người với người mà không cần đến những lời giáo điều, lên giọng dạy dỗ. Đây là một hiệu ứng cảm xúc tuyệt vời mà ít truyện nào viết cho thiếu nhi có thể làm được.
BTC
Nghĩ về sự thật của câu chuyện
* Văn phong của Dy Duyên thường được nhận xét là dịu dàng, tinh tế, giàu chất thơ. Chị có xem đó là một lựa chọn có ý thức trong sáng tác, hay là điều tự nhiên đến từ sâu bên trong con người mình?
- Tất cả những điều liên quan đến việc viết đều xuất phát từ sự tự nhiên bên trong con người tôi. Tôi không chủ đích lựa chọn, cũng không có sự lựa chọn về bất cứ điều gì trong việc viết, từ văn phong, đến cả câu chuyện, lẫn cách nhân vật hành động.
Tôi như người ghi chép với nhiệm vụ là lắng nghe câu chuyện để tìm ra sự thật rồi ghi chép lại. Một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng để có thể lắng nghe đến cùng, lắng nghe mà bỏ qua những áp đặt hay ý thích cá nhân của bản thân lại là một việc đòi hỏi sự kiên trì và kỷ luật rất lớn.
Áng văn nên thơ và minh họa sống động của tác phẩm “Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu”
* Khi sáng tác, chị có thường nghĩ đến sự tiếp nhận của độc giả nhí, muốn các em có được một điều gì đó sau khi đọc tác phẩm? Trong thời gian tới, chị có tiếp tục gắn bó với văn chương dành cho thiếu nhi như một con đường dài lâu?
- Khi sáng tác, điều duy nhất tôi nghĩ về, là sự thật của câu chuyện. Về những gì đã thực sự xảy ra trong câu chuyện chứ không phải những gì mà tôi nghĩ là nên như vậy. Đó là điều mà tôi khao khát tìm kiếm trong sáng tác và với tư cách của một độc giả, đó cũng là câu chuyện mà tôi muốn được đọc.
Tôi không hướng đến bất kỳ một đối tượng cụ thể nào khi viết, và cũng không muốn dẫn dắt suy nghĩ của người đọc. Đối với tôi, độc giả, dù nhỏ tuổi bao nhiêu, vẫn có cảm nhận, suy nghĩ và tiếng nói sâu sắc của riêng mình. Tôi luôn ngưỡng mộ và không ngừng bị ngạc nhiên bởi thế giới đơn thuần độc đáo của trẻ thơ. Từ khi viết xong tác phẩm đầu tiên, tôi đã xác định mình sẽ dành phần đời còn lại để gắn bó với văn học thiếu nhi.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về tác giả Dy Duyên
Dy Duyên (tên thật là Đặng Thị Hoàng Duyên), sinh năm 1987, là một tác giả và nhiếp ảnh gia tự do hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trước khi bước vào con đường văn chương, cô được biết đến với vai trò nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung, với phong cách tự nhiên và giàu cảm xúc.
Năm 2019, Dy Duyên ra mắt tác phẩm đầu tay Cúc dại và tia nắng (NXB Kim Đồng), một câu chuyện mang âm hưởng đồng thoại về tình bạn giữa một bông cúc dại và ánh nắng mai. Năm 2025, cô trở lại với 2 tác phẩm mới: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu và Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố, cả 2 đều lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 6 - 2025.
Trong sáng tác, Dy Duyên thường hướng đến đối tượng là những "thiếu nhi trong tâm hồn", xây dựng thế giới đồng thoại với nhân vật là thực vật, động vật được nhân hóa, kết hợp cùng nét vẽ minh họa mềm mại, tạo nên một thế giới tinh tế và lay động. Cô yêu thích đi dạo, nghĩ ngợi, đọc sách và trân trọng những điều yên tĩnh. Với Dy Duyên, mỗi ngày ý nghĩa nhất là khi được ngồi nơi góc bàn quen thuộc, bên tờ giấy trắng và cây bút chì, để viết, và viết.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất